Chiều ngày 08/02/2023, trường TH Tân Hưng, TP Hải Dương tổ chức cho HS khối lớp 5 tham gia trải nghiệm tại Đình đền Thanh Liễu phường Tân Hưng - nơi thờ vị Thành Hoàng làng là ông Lương Như Hộc. Ông từng hai lần đi sứ sang Trung Quốc và đã có công truyền lại nghề khắc bản gỗ in cho dân làng và được tôn xưng là “ông Tổ nghề khắc ván in”
Trong buổi trải nghiệm, HS được tập hợp trước sân khấu của Đình nghe ông trưởng Khu giới thiệu về Đình làng và nghề khắc bản gỗ in của ông tổ. Sau đó, các đ/c GV và các cụ quản lý Đền dẫn các em HS đi đặt lễ trước các ban, tham quan khu vực quanh đền và chụp ảnh kỷ niệm.
Kết thúc tiết học tập thực tế, Các em HS đã được làm quen với phương pháp hoạt động chủ động phù hợp với mục tiêu đào tạo mới, đồng thời có những hiểu biết và thái độ đúng đắn về các giá trị văn hoá, xã hội của dân tộc và nhân loại. Thông qua buổi trải nghiệm các em được rèn luyện đạo đức, phát triển năng lực, bồi dưỡng năng khiếu, giao lưu văn hoá, giữ gìn và phát huy giá trị đặc sắc về di sản văn hoá truyền thống dân tộc của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, tinh thần bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc cho HS.
Một số nét về ông tổ “ông Tổ nghề khắc ván in”:
Lương Như Hộc (1420 – 1501) tự Tường Phủ, hiệu Hồng Châu, quê xã Hồng Liễu, huyện Trường Tân, tỉnh Hải Dương, nay là khu Thanh Liễu, phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. 22 tuổi, ông đỗ Thám hoa, làm quan đến chức Thị lang, Gia trung thư lệnh và Đô ngự sử. Ông từng đi sứ nhà Minh hai lần vào các năm 1443 và 1459, cả hai lần đều chú ý đến việc in sách và học được nghề in mộc bản. Về nước, ông là người đầu tiên truyền dạy nghề cho dân hai làng Liễu Tràng và Hồng Liễu quê ông, khiến nghề in nơi đây trở nên phát triển. Chính vì lẽ đó, ông đã được coi là ông Tổ sáng lập ra nghề in ở Việt Nam.
Để ghi nhận công lao, dân làng Liễu Tràng đã lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng và coi là Tổ nghề của mình. Hiện nay vẫn còn ngôi đình thờ Thám hoa Lương Như Hộc ở làng Liễu Tràng, đã được xếp hạng năm 1992, thường tổ chức lễ hội từ ngày 13 đến 15 tháng 9 (âm lịch) hằng năm. Đầu thế kỷ XX, những nghệ nhân của làng Liễu Tràng đã tham gia khắc in bộ tranh dân gian “Kỹ thuật của người An Nam” gồm 4.577 bức, do Henri Oger, một người Pháp, sưu tập. Ngoài vẽ về các nghề dân gian và đời sống hằng ngày của người Việt Nam, bộ tranh còn có hình các nhân vật lịch sử như Lương Như Hộc và Kỳ Đồng. Ông để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị như: Hồng Châu quốc ngữ thi tập; là người sửa chữa và duyệt lại bộ sách Cổ Kim thi gia tinh tuyển do Dương Đức Nhan sưu tập (gồm 5 quyển, 472 bài thơ của 13 nhà thơ các đời Trần, Hồ, Lê…).
Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và Hải Dương có những con đường dài và đẹp mang tên ông.
Người viết bài: HT Nguyễn Thị Lan Hương
Người đưa tin: Nguyễn Thu Hương
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi trải nghiệm: